Kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
2025-02-25 17:00:00.0
Ngày 06/02/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, trực tuyến với các bộ, ngành và 63 địa phương (gọi tắt là Phiên họp). Sau khi nghe báo cáo kết quả chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ý kiến phát biểu, tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, bệnh viện, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ thống nhất kết luận như sau (Thông báo số 56/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 23/02/2025):
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ trì dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên (nguồn thainguyen.gov.vn)
1. Những kết quả đạt được
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 đã tạo động lực và truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị. Trong năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực như: (i) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ trung ương đến cơ sở; (ii) Tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; (iii) Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; (iv) Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển tốt; (v) Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện; (vi) Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.2
2. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn những hạn chế như:
(i) Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; (ii) Nhiều nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 chưa hoàn thành; (iii) Kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; (iv) Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; (v) Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; (vi) Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.
3. Bài học kinh nghiệm: Chuyển đổi số phải gắn chặt với cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình ở tất cả các ngành, các cấp và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để thúc đẩy sự phát triển.
4. Quan điểm chỉ đạo, điều hành
Bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tinh thần triển khai gắn với 5 “tăng tốc, bứt phá”: Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo. Tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số, phải ưu tiên và xác định có trọng tâm, trọng điểm. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong kỷ nguyên số. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
5. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới: Thống nhất chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là: “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn theo nguyên tắc “lãnh đạo từ trên xuống, nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”. Khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tháng 02 năm 2025, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát. Chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin - cho” sang trạng thái “chủ động - phục vụ”; đẩy mạnh xóa bỏ các TTHC không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hết tháng 6 năm 2025, 100% hồ sơ giải quyết TTHC được gắn định danh cá nhân. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, áp dụng chính sách thu phí không đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến như mô hình thành phố Hà Nội đã triển khai; Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an số hóa dữ liệu hộ tịch và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch, phục vụ cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hoàn thành trước ngày 31/3/2025; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Giao các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ (Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính…) chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện về chuyển đổi số và Đề án 06 theo lộ trình đề ra./.
MỘT CỬA ĐIỆN TỬ
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 1
Tổng truy cập: 114209